Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics. Để tận dụng tốt cơ hội, một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế.
Vẫn còn nhiều tồn tại
Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 14 – 16%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60 – 70%, đóng góp khoảng 4 – 5% GDP…
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, chi phí dịch vụ giao nhận vận chuyển – logistics tại Việt Nam hiện tương đương khoảng 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với Trung Quốc, Malaysia, Philippines; cao gần gấp đôi so với các nước phát triển và cao hơn khoảng 14% so mức bình quân toàn cầu. Đặc biệt, chi phí vận tải đang ở mức quá cao, chiếm 30 – 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Thế Anh/TTXVN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có 3 vấn đề cốt yếu mà ngành logistics Việt Nam cần cải thiện để giảm chi phí là hạ tầng, thủ tục hành chính và kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước.
Hiện nay, chi phí vận tải đường bộ cao, nhưng doanh nghiệp có rất ít sự lựa chọn với các phương thức vận tải khác, bởi hệ thống đường sắt trong nước khá lạc hậu và thiếu kết nối vào các cảng hàng hóa, đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả.
Thêm vào đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính còn phổ biến, khiến chi phí logistics bị đội lên. Sự kết nối lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp gây lãng phí tài nguyên lớn, khi có tới 70% xe chở hàng chấp nhận chạy không tải ở chiều về vì không thể tìm được khách hàng.
“Đây là những nguyên nhân khiến chi phí logistics của doanh nghiệp trong nước rất thiếu tính cạnh tranh”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam còn có một số tồn tại. Điển hình như, chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn thấp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số các quy định vẫn còn chồng chéo, còn tồn tại những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số chính sách chưa kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn…
Từ góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics và Khai thác cảng Lokaport cho biết, chi phí logistics bị đẩy lên là do chi phí kho bãi cao, việc quy hoạch các trung tâm logistics còn thiếu hoặc chưa hợp lý. Đặc biệt, các loại phụ phí không chính thức ở mức cao, làm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tận dụng cơ hội từ các FTA
Logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 – 16%/năm. Cùng với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện đã rất lớn với 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)…cùng Hiệp định RCEP vừa được ký kết sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa gia tăng là dư địa để ngành logistics tăng trưởng, nhưng cùng với đó, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp cũng sẽ ngày càng lớn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFA và sắp tới là RCEP sẽ tác động tích cực đối với việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và của nền kinh tế nhờ vào việc tiếp cận thị trường xuất khẩu có sự ưu đãi về thuế quan, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, giảm được chi phí các yếu tố đầu vào.
“Để các doanh nghiệp logistics tận dụng tốt các ưu đãi mà những FTA thế hệ mới đem lại, điều trước tiên các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để tận dụng các chính sách ưu đãi của Hiệp định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cải thiện công nghệ thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics, đặc biệt đẩy mạnh kết nối thông tin với mạng logistics toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, bên cạnh những cơ hội luôn đi kèm với cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, bước đầu là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, bài bản, phù hợp với mội trường làm việc quốc tế.
Một điểm nữa các doanh nghiệp cần lưu ý là cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế.
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ, tới 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng, chỉ có 1% có mức vốn trên 100 tỷ đồng, 1% có mức vốn từ 50 đến 100 tỷ đồng. Cùng đó, có tới 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký ở loại hình Công ty TNHH một thành viên. Giờ đây, toàn cầu hóa và hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp cần thay đổi để phù hợp với sân chơi lớn thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư quốc tế.
Để giải tỏa những điểm nghẽn của ngành logitstics, đại diện VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đều cho rằng, cần tiếp tục đầu tư cải thiện về hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành để kéo giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp, giảm bớt chi phí không chính thức.
Việc tăng cường kết nối và hình thành hệ sinh thái cộng sinh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau và với các doanh nghiệp FDI là vô cùng cần thiết để khơi thông dòng chảy logistics, thúc đẩy hình thành các dịch vụ môi giới trung gian trong ngành.
Cùng với đó, các chuyên gia nhấn mạnh, nếu không tìm cách cắt giảm chi phí, việc các FTA đi vào thực thi sẽ mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp vào Việt Nam nhiều hơn, khiến thị phần của doanh nghiệp nội vốn đã nhỏ, sẽ ngày càng teo tóp.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung cho rằng, trong thời gian tới, cần sớm khắc phục là sự phối hợp của các ngành vận tải khác như đường bộ, đường sắt… để cải thiện khả năng kết nối của cảng biển với những phương thức vận tải này nhằm tận dụng năng lực vận chuyển hàng hóa vẫn còn dư thừa, giúp đẩy nhanh việc giải tỏa hàng hóa, nâng cao năng lực tiếp nhận và thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận tải. Đồng thời, ngoài sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các doanh nghiệp logistics cũng cần những chính sách ưu đãi để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.